Thế lực nha binh Ngụy Bác quân tiết độ sứ

Bài chi tiết: Nha binh Ngụy Bác

Ngay từ khi trấn nhậm Ngụy Bác, Điền Thừa Tự đã tập trung xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh để đối phó với chính quyền trung ương. Những năm tiếp theo, thế lực của nha binh từng bước lớn mạnh, cam thiệp sâu vào việc nội bộ và lật đổ nhiều đời Tiết độ sứ. Vào năm 870, quân sĩ biết chuyện Toàn Hạo có ý cắt giảm chi phí ăn uống và quân phục của họ, bèn liên thủ làm phản. Toàn Hạo được tin, nhảy lên ngựa bỏ trốn, quân sĩ đuổi theo, bắt được và giết ông. Họ Hà cai trị Ngụy Bác được 51 năm qua 3 đời. Đại tướng Hàn Doãn Trung được ủng hộ lên làm Tiết độ sứ Ngụy Bác.

Hàn Doãn Trung qua đời, con là Hàn Giản nối nghiệp (874). Lúc bấy giờ triều đình nhà Đường ngày một suy yếu, phong trào nông dân khởi nghĩa bùng lên; trong đó tiêu biểu nhất là cuộc nổi loạn của Vương Tiên ChiHoàng Sào. Năm 881, Hoàng Sào chiếm Trường An, tự xưng là hoàng đế Đại Tề. Đường Hi Tông kinh hoàng bỏ chạy về Thành Đô. Thấy đất nước rối loạn, Hàn Giản tìm cách mở rộng phạm vi thế lực của mình bằng cách tấn công vào các trấn xung quanh là Hà Dương, Chiêu Nghĩa và Thiên Bình[26]. Tuy nhiên chiến dịch này bị Gia Cát Sảng đánh bại, bản thân Hàn Giản bị nha quân giết chết hoặc chết do tức giận (883). Tướng dưới quyền Nhạc Ngạn Trinh thu quân về Ngụy châu, tự xưng là lưu hậu ở Ngụy Bác. Họ Hàn kể từ Hàn Doãn Trung đến Hàn Giản, cai trị đất Ngụy chỉ có 13 năm.

Nhạc Ngạn Trinh kiêu căng tự đại. Khi đã vững chắc trên ngôi vị Tiết độ sứ Ngụy Bác, ông bắt lính và dân phu để xây La thành bên trong thành Ngụy châu thật vững chắc; và huy động nhiều nhân lực, của cải đắp lại đê cũ ở Hoàng Hà có chu vi 80 lý, buộc họ phải hoàn thành trong một tháng, dân chúng và binh sĩ lấy làm bất bằng. Con trai Ngạn Trinh là Nhạc Tòng Huấn thiên tư bội nghịch, vào năm 884 khi tể tướng Vương Đạc đi ngang qua lãnh địa của mình đã cho quân phục kích giết Vương Đạc. Nhạc Ngạn Trinh tấu lên triều đình Trường An rằng Vương Đạc bị bọn cướp hại chết. Lúc bấy giờ triều đình nhà Đường chẳng còn trong tay bao nhiêu lãnh thổ, không thể tiến hành điều tra gì; nhưng cũng do việc này mà binh sĩ trong trấn bất bình với cha con họ Nhạc.

Năm 888, Nhạc Tòng Huấn sợ binh sĩ nổi lên chống đối mình bèn chạy đến Tương châu. Tòng Huấn có được Tương châu liền thu thập tiền bạc, chuẩn bị binh mã, sai sứ đến Ngụy châu dâng vàng bạc và lụa khiến quân sĩ Ngụy châu nghi ngờ. Nhạc Ngạn Trinh lo sợ rằng quân sĩ sẽ nổi dậy chống lại mình bèn từ chức Tiết độ sứ, đến xuất gia tại chùa Long Hưng. Quân sĩ ủng hộ Triệu Văn Biện nắm quyền chỉ huy. Nhạc Tòng Huấn nghe tin cha mình bị phế truất liền đem 30.000 binh đến tấn công Ngụy châu. Triệu Văn Biện không dám chống lại, quân sĩ liền giết chết ông ta và ủng hộ La Hoằng Tín làm chủ soái. La Hoằng Tín dẫn quân xuất chiến, đánh bại và giết chết cha con Nhạc Ngạn Trinh. Chính quyền trung ương buộc phải công nhận ngôi vị Tiết độ sứ của họ La.